Các doanh nghiệp như Kim Oanh Group, Lê Phong… thông báo ra mắt dự án nhà ở xã hội vào tháng 12/2024 và đầu năm 2025. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường khi phân khúc “hiếm có, khó tìm” này vắng bóng từ lâu.
Khách hàng xem mô hình một dự án nhà ở xã hội. |
Xuất hiện dự án sau thời gian dài trầm lắng
Tập đoàn Lê Phong vừa phát đi thông báo bắt tay cùng Công ty cổ phần bất động sản DKRS bán hàng dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp, tên thương mại là Lavida tại TP. Dĩ An (Bình Dương). Dự án có 2 tháp liền, tổng cộng 873 căn hộ và 9 căn hộ kinh doanh; trong đó tháp A có 308 căn với 200 căn nhà ở xã hội, 108 căn nhà ở thương mại, còn tháp B có 565 căn nhà ở xã hội.
Giá bán là 730 triệu đồng/căn 1 phòng ngủ (30 m2) và 1,4 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ (64 m2). Dự án sẽ được bàn giao nhà vào quý II/2025.
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành đã động thổ Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Dự án được xây dựng với quy mô lớn, bao gồm 4 block chung cư cao 18 tầng và 2 block thương mại dịch vụ. Tổng diện tích xây dựng chung cư nhà ở xã hội khoảng 127.000 m2 và tổng diện tích sàn thương mại dịch vụ khoảng 47.000 m2. Dự án cung cấp 1.445 căn hộ nhà ở xã hội theo hình thức cho thuê 49 năm, với diện tích trung bình từ 45 m2 đến 50 m2, phù hợp với nhu cầu của người dân có thu nhập thấp và trung bình.
Kim Oanh Group cũng cho biết, sắp ra mắt dự án nhà ở xã hội mang tên K.Home New City tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương). Dự án có diện tích 27 ha, vốn đầu tư lên tới 2.758 tỷ đồng, ngoài nhà ở xã hội còn cả nhà ở thương mại giá rẻ và nhà phố.
Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group, bà Đặng Thị Kim Oanh thông tin, dự án có khoảng 1.700 căn nhà ở xã hội, giá bán từ 700 triệu đồng/căn. Cũng theo bà Kim Oanh, hiện nay, thị trường khan hiếm dòng sản phẩm nhà ở xã hội vì các doanh nghiệp khó làm, phải quyết tâm lắm mới có thể làm được dòng sản phẩm này.
Bà Kim Oanh thẳng thắn chỉ ra những khó khăn mà các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội đang gặp phải. Trước hết, quỹ đất là một trở ngại lớn. Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại phải dành ra 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc giao quỹ đất này cho doanh nghiệp thực hiện hay địa phương thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp phải đối mặt là thủ tục pháp lý. Mặc dù đã có quy định riêng cho nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn chưa được rút gọn, dẫn đến việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vấn đề biên lợi nhuận cũng là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp. Theo quy định, doanh nghiệp được hưởng lợi nhuận tối đa 10% và chi phí bán hàng nhà ở xã hội cho phép là 2%, nhưng thực tế doanh nghiệp thực hiện chi phí này hơn 6%, như vậy lợi nhuận thực tế chỉ có 6%. Với mức lợi nhuận thấp thế này rất khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội.
“Các khó khăn vướng mắc này đã cản bước doanh nghiệp tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội, khiến phân khúc này vắng bóng trên thị trường”, bà Kim Oanh nêu thực tế.
Tham gia đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Vingroup, Novaland, Kim Oanh Group đang thực hiện như thế nào?
Cần thêm ưu đãi để thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cần phải có cơ chế, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của các tỉnh phía Nam, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội, nhất là các dự án chỉ để cho thuê là lĩnh vực rất khó thu hút đầu tư do tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn rất dài, không dưới 20 năm, có trường hợp lên tới 25 - 30 năm.
Bởi thế, theo ông Châu, các sở, ngành, địa phương cần chung tay phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện ngay các dự án nhà ở xã hội mà các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang có sẵn 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, cần tạo quỹ đất hoặc sử dụng quỹ đất hiện có để triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội. “Đơn cử tại TP.HCM, chúng tôi nhận thấy, để thực hiện mục tiêu phát triển khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 thì Thành phố cần phải có 69 - 93 dự án nhà ở xã hội độc lập với quy mô trung bình 1.000 căn hộ/dự án, với tổng diện tích đất cần phải bố trí lên đến 96 - 130 ha. Trường hợp sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại dành để xây dựng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội, thì tổng diện tích đất của các dự án nhà ở thương mại này cần phải có khoảng 480 - 650 ha”, ông Châu nói.
Công ty Lê Thành - một doanh nghiệp rất tâm huyết với nhà ở xã hội cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội, cần có các giải pháp như giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Có một thực tế là, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ lựa chọn phương thức đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn quỹ đất khả dụng để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của Thành phố trong giai đoạn 2021-2030.
Bởi thế, theo các chuyên gia, cần ưu đãi tín dụng đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, bên cạnh Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện từ tháng 3/2023, cần sớm có Nghị quyết về triển khai gói ưu đãi tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu chính phủ để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi.
Bên cạnh đó, cần thêm giải pháp rút ngắn tối đa, hợp lý thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, vì hiện nay thời gian này đang quá dài.