Kiến nghị làm thêm đường băng thứ 2 ở Sân bay Quốc tế Long Thành với kinh phí 3.455 tỷ

Sáng 2/11 vừa qua, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) khảo sát vị trí đường sắt tốc độ cao trong khu vực sân bay Long Thành.

Báo cáo trước đoàn công tác, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết tiến độ xây dựng sân bay Long Thành đang rất tốt.

Trong đó, gói thầu 5.10 - nhà ga hành khách với khối lượng hoàn thành gần 31%. Các nhà thầu đã xây dựng xong phần bê tông cốt thép cho cột, dầm, sàn của bốn tầng và đang lắp đặt kết cấu mái thép.

Dự kiến, phần xây dựng cơ bản sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025, toàn bộ gói thầu này sẽ kết thúc vào ngày 31/8/2026.

Tiến độ gói thầu 4.6 - đường cất hạ cánh và sân đỗ cũng đạt gần 43%. Công tác đào đắp, san lấp, bê tông Xi măng đang được đẩy mạnh. Riêng phần đường cất hạ cánh đã hoàn thành lớp nền, móng và cơ bản hoàn thành lớp bê tông Xi măng M150/25, đang thi công lớp mặt bê tông Xi măng M350/45. Dự kiến hoàn thành và khai thác kỹ thuật trước 30/4/2025.

Ngoài ra, các gói thầu 4.7 (công trình sân đỗ tàu bay), gói thầu 4.8 (công trình giao thông nội cảng), gói thầu 4.9 (hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay) cũng đang đảm bảo tiến độ đề ra…

Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành, theo ông Việt, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và ACV đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội điều chỉnh một số nội dung quy định tại nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Theo đó, ACV đề xuất xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai với kinh phí dự kiến 3.455 tỷ đồng ở giai đoạn 1. Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án thành phần 3 (99.019 tỷ đồng).

Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét vào ngày 5/11. Và nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai xây dựng đường cất hạ cánh thứ hai trong năm 2025, chạy thử và hoàn thiện các thủ tục đưa vào khai thác trong quý 4/2026.

Theo lãnh đạo ACV, việc đầu tư thêm đường cất hạ cánh thứ hai thời điểm này sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng đang phục vụ thi công giai đoạn 1, không ảnh hưởng đến hoạt động khi đưa sân bay vào khai thác.

Việc sân bay Long Thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1, đây được xem là tiền đề mang tính chiến lược phát triển cho khu vực Miền Nam nói chung và khu vực Long Thành - Đồng Nai nói riêng. Giúp cho nhu cầu công ăn việc làm, giá trị bất động sản và hàng loạt các ngành dịch vụ tại khu vực này đồng loạt "cất cánh"