Thị trường bất động sản Bình Dương nói chung, Bến Cát nói riêng thời gian gần đây đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư đến từ thông tin về quy hoạch lên thành phố của khu vực này. Thị xã Bến Cát là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động, đang thực hiện đề án lên thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Vừa qua Uỷ Ban Nhân Dân thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề án thị xã Bến Cát trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Bến Cát có diện tích đất tự nhiên gần 24.000 ha, dân số khoảng 350.000 người. Thị xã có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 5 phường và 3 xã, hiện các xã cũng đang đánh giá các tiêu chí để lên phường.
Đây là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Có tất cả 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động được quy hoạch rất bài bản. Các khu công nghiệp của Bến Cát tạo ra việc làm cho khoảng 180.000 lao động. Thu nhập bình quân trên đầu người đạt 139,8 triệu/người/năm. Đáng chú ý, bên cạnh khu công nghiệp, có các khu đô thị được quy hoạch bài bản, hướng đến xây dựng không gian và nâng cao chất lượng sống của người lao động. Thị xã Bến Cát có 2 trường đại học trú đóng, trong đó Trường Đại học Việt Đức đã được xây dựng đi vào hoạt động.
Trong giai đoạn 2016-2021, thị xã Bến Cát đã đầu tư hoàn thành 98 công trình trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, xã hội. Ngoài ra, thị xã còn duy tu sửa chữa, đầu tư nâng cấp 306 tuyến đường với tổng cộng 251km, vốn đầu tư khoảng 341 tỷ đồng. Hệ thống chiếu sáng được đầu tư cho 499 tuyến, tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ với chiều dài khoảng 381km, tổng mức đầu tư khoảng 7.400 tỷ đồng.
Song song đó, Bến Cát cũng quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Một số công trình tiêu biểu như xây dựng tượng đài Bến Cát, Trung tâm Văn hóa thanh niên công nhân, nhà truyền thống và thư viện, nhà thiếu nhi, các công viên cây xanh… Nhiều công trình trường học, y tế được xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp đảm bảo nhu cầu giảng dạy, học tập và khám chữa bệnh của người dân. Hiện trên địa bàn thị xã có 34 trường công lập (trong đó có 25 trường đạt chuẩn quốc gia), 34 trường ngoài công lập, 1 trung tâm y tế quy mô 100 giường, 1 bệnh viện đa khoa 500 giường, 3 phòng khám đa khoa khu vực, 6 phòng khám đa khoa tư nhân, 8 trạm y tế xã, phường.
Tại Bình Dương, Bến Cát cũng là một trong những địa phương có hạ tầng giao thông phát triển mạnh, kết nối thông suốt, đồng bộ với các tuyến đường trọng điểm đi qua như quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương), ĐT 741, ĐT744, Mỹ Phước – Tân Vạn, Vành đai 4… Các tuyến đường nội ô thị xã cũng được đầu tư mở rộng như 30/4, Hùng Vương, Ngô Quyền, 7A, 7B, tạo điều kiện kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương với thành phố Hồ Chí Minh.. Ngoài ra, các tuyến đường này có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa.
Bến Cát hiện nay đã trở thành trung tâm công nghiệp của Bình Dương với 13 khu – cụm công nghiệp trên tổng diện tích khoảng 5.000 hecta như Mỹ Phước 1,2,3; Phú Gia; Rạch Bắp; Mai Trung; Thới Hòa; Định An; An Tây; VSIP 2; Việt Hương… Thống kê cho thấy tổng cộng trên địa bàn Bến Cát hiện có gần 2.200 doanh nghiệp, sử dụng hàng chục ngàn lao động. Nhờ đó Bên Cát trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp, tốc độ đô thị hóa thuộc loại nhanh nhất Bình Dương.

Bến Cát đang được giới kinh doanh ví như “viên ngọc” đang được mài giũa, chuẩn bị tỏa sáng tại Bình Dương. Tất cả các yếu tố từ vị trí địa lý, hạ tầng, dân số cho đến chính sách thu hút đầu tư của Bến Cát đều đang mang lại thuận lợi để vùng đất này hóa rồng. Sức hấp dẫn của Bến Cát đã thu hút ngày càng nhiều tập đoàn đến phát triển dự án đón đầu cơ hội. Nổi tiếng nhất là, tập đoàn Central Retail của Thái Lan đã công bố dự án trung tâm thương mại 40 triệu USD. Trường Đại học quốc tế Việt Đức quy mô 50 hecta, vốn đầu tư 200 triệu USD, cũng đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Thị trường bất động sản được xem là sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự chuyển mình của Bến Cát. Hiện nay, Bến Cát đã hình thành một số khu đô thị mới như Legacy Central, Mega City, Mỹ Phước 1, 2,3,4, Richhome 1, Richhome 2… Vì vậy, nhu cầu nhà ở và đầu tư bất động sản vẫn còn rất lớn. Đòi hỏi nguồn cung phải dồi dào. Một khảo sát vào cuối năm 2021 cho thấy, các khu công nghiệp tại Bến Cát và vùng lân cận đang sử dụng 45.000 chuyên gia và 600.000 người lao động, đa số vẫn chưa có nhà ở mà vẫn phải thuê các phòng trọ chật hẹp.
Trong khi đó, tuy một số nhà đầu tư nhanh nhạy đã bắt đầu phát triển vài dự án căn hộ nhưng giá bán cũng không rẻ. Một căn hộ 1 phòng ngủ đầu tư bình dân, tiện ích vừa phải nhưng giá rao bán ở mức 800-900 triệu đồng; giá cho thuê 7-8 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng đổ dồn về khu vực Bến Cát săn đất nền xây nhà cho thuê hoặc chờ giá lên sang tay kiếm lợi nhuận.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với chủ trương thành lập thành phố Bến Cát dự báo sẽ tạo nên làn sóng tìm kiếm bất động sản tại khu vực này, mặt bằng giá bán sẽ có lợi thế để tăng mạnh trong tương lai. Quả thực, theo báo cáo quý 1 trong vòng bán kính 20-50 km, số lượng tìm kiếm bất động sản tại khu đô thị vệ tinh Tp.HCM như Tân Uyên, Bàu Bàng tăng rõ rệt trong những tháng vừa qua. Trong đó, phân khúc nhà thấp tầng (đất nền, nhà phố, nhà riêng…) tại Bình Dương lượng người tìm kiếm tăng vọt. Đây cũng là phân khúc đang khan hiếm tại Bình Dương ở thời điểm này.
Quả thực, yếu tố về quy hoạch đang thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng thị trường BĐS Bình Dương nói chung, Bến Cát nói riêng. Chính thông tin quy hoạch này làm giá đất nền tại khu vực ngoại thành Bến Cát, tỉnh Bình Dương tăng cao trong thời gian qua. Mức giá rao bán đất nền trong quý 1/2021 có sự gia tăng đáng kể so với quý 4/2020. Cụ thể, tại Bến Cát tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, việc thị xã Bến Cát chuẩn bị lên thành phố tạo tiền đề cho bất động sản nơi đây được đà tăng mạnh..